Với mong muốn trang bị cho các ứng viên những nền tảng kiến thức cơ bản, giúp tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, khơi nguồn cảm hứng và niềm tự hào dân tộc cho những đại diện tương lai của Việt Nam tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế, tuần lễ mang chủ đề “Văn hoá truyền thống Việt Nam” được xem là một trong những chủ đề trọng yếu và thiết thực nhất từ trước đến nay.
Theo đó, các ứng viên của Lâu đài sắc đẹp đã đến với rất nhiều bài học lẫn thử thách thú vị, ngoài việc chuẩn bị tư liệu, hình ảnh cho một bài nói về quê hương nơi mình sinh ra, các người đẹp cũng thể hiện rõ sự thích thú khi có thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá về quê hương của nhau, qua đó, giúp làm giàu thêm kiến thức của mình về một đất nước Việt Nam tươi đẹp và đa dạng về văn hoá.

Để tăng tính tương tác và tạo sự hứng thú trong mỗi giờ học, những trò chơi dân gian và món ăn đặc trưng của ba miền cũng được khéo léo lồng ghép trong những thử thách đặt ra cho các cô gái. Trò chơi dân gian phổ biến của người dân đồng bằng Bắc bộ - Nhảy sạp, đã trở thành một thử thách mang tính đồng đội, thách thức sự khéo léo và nhanh nhẹn của các ứng viên. Tinh thần đồng đội, kĩ năng làm việc nhóm đặc biệt được đề cao trong tuần này khi ở nhiệm vụ tiếp theo, các người đẹp tiếp tục được chia thành 3 đội để trổ tài trong thử thách vào bếp cùng Vua đầu bếp Việt Nam 2014 Hoàng Minh Nhật. Sự xuất hiện của nữ đầu bếp trẻ tuổi và tài năng này cũng đã đem đến một đề bài khá hóc búa khi 3 đội sẽ phải chia nhau thực hiện các món ăn đặc trưng của ba miền: Chả giò hải sản Hà Nội, Gà ta hấp mắm nhĩ và Chè long nhãn hạt sen.

Theo Minh Nhật chia sẻ, đề bài mà cô đưa ra là ba món ăn khá nổi tiếng và đặc trưng của ẩm thực Bắc Trung Nam. Chả giò hải sản – món ăn nổi tiếng của Hà Nội là sự phối hợp giữa hương vị hải sản tươi ngon và cách chế biến khéo léo, tỉ mỉ của ẩm thực đất Bắc; gà ta hấp mắm nhĩ là biểu tượng của những hương vị đậm đà, nồng đượm của người dân phương Nam; và chè long nhãn hạt sen cung đình Huế lại là một món tráng miệng nổi tiếng với hương vị thanh tao, tinh tế. Sự kết hợp của 3 món ăn nổi tiếng này cũng mang đến một thực đơn hài hoà về giá trị dinh dưỡng, đa dạng trong cách sử dụng nguyên liệu và tinh tế trong hương vị.

Và với thử thách này, các cô gái sẽ có một cuộc “du hành văn hoá” nho nhỏ khi tự mình khám phá và có cơ hội toả sáng cùng vẻ đẹp bình dị của người phụ nữ Việt Nam khi vào bếp – đảm đang, khéo léo và dành trọn tình yêu thương trong mỗi món ăn. Vốn là một cô gái khá yêu thích công việc bếp núc, người đẹp tóc ngắn Thanh Tuyền khá tự tin khi đảm nhiệm vai trò đội trưởng của đội “miền Trung” để cùng với các người đẹp Lan Khuê, Anh Thư, Vũ Ngọc, Kim Duyên thực hiện món Chè sen long nhãn. Trong khi đó, món Gà ta hấp mắm nhỉ sẽ là một thử thách không hề đơn giản dành cho các cô gái Quế Chi, Lệ Quyên, Kim Ngân và Thu Thuỷ, đảm nhiệm vai trò đội trưởng cho đội “miền Nam” chính là người chị cả khéo tay Thanh Nhàn. Đội “miền Bắc” tình cờ lại là sự hội ngộ của các cô gái miền Trung Ngọc Phi, Hà Chiêu, Diệu Ngọc, Văn Vân, họ sẽ cùng với Thuý Vân, Nguyễn Diana vượt qua thử thách nấu ăn bằng món Chà giò hải sản Hà Nội. Trong cuộc so tài của ba đội, bên cạnh các yếu tố về hương vị và thẩm mĩ, sự cân bằng về dinh dưỡng và tinh thần làm việc đồng đội cũng sẽ được đánh giá để quyết định đội thắng cuộc. Bên cạnh đánh giá của ban giám khảo, các đội cũng sẽ tự đánh giá và cho điểm lẫn nhau để tìm ra đội thắng cuộc trong phần thi nấu ăn. Đặc biệt, bên cạnh Vua đầu bếp Minh Nhật, “bà nội xì-tin” Lê Thiện cũng sẽ trở lại trong vai trò người bạn đồng hành để cổ vũ tinh thần của các người đẹp trong phần thi nấu nướng. Bà cũng sẽ trực tiếp thưởng thức và đánh giá tài nghệ, sự đảm đang từ những cô cháu gái xinh đẹp của mình.

Đến với tiết học trang điểm tuần này, 16 ứng viên đã có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử và nét đặc trưng trong phong cách trang điểm của phụ nữ Việt Nam qua các thời kì từ huấn luyện viên Nam Trung. Theo anh, trang điểm là một bộ môn nghệ thuật không có biên giới, bởi nhu cầu và cách thức làm đẹp của phụ nữ là vô bờ bến và không có giới hạn về không gian lẫn thời gian. Chính vì vậy, rất khó để phân định rõ ràng hay định nghĩa cụ thể về lịch sử trang điểm của riêng Việt Nam, mà đó chính là một quá trình giao thoa và phát triển của các loại hình trang điểm trên thế giới và cách thức tiếp thu, biến tấu khi du nhập sang Việt Nam. Theo đó, với phụ nữ Á đông, lối trang điểm nhẹ nhàng, mộc mạc, tự nhiên vẫn được ưa chuộng xưa nay. Đó là lý do vì sao tại các đấu trường quốc tế, các người đẹp cũng cần phải hiểu rõ được lợi thế, sự khác biệt về cấu trúc gương mặt mang nét đặc trưng riêng của mình để lựa chọn cách trang điểm phù hợp để luôn rạng rỡ và nổi bật hơn giữa đám đông. Anh cũng đem đến một bài tập ứng dụng rất thiết thực khi cho các người đẹp tự trang điểm nửa khuôn mặt để nhận xét về hiệu ứng của việc làm đẹp mang lại trên cơ sở so sánh phần đã và chưa trang điểm trên cùng một gương mặt.
Duongtoivuongmien.vtv.vn