Khi tìm kiếm những thông tin giảm cân bằng gạo lứt muối mè, chỉ trong vòng 0,43 giây, Khoảng 225.000 kết quả đã hiện ra. Trong đó, có nhiều thông tin “thần thánh hóa” thực phẩm phẩm này kiểu như “gạo lứt muối mè giảm cân cực hiệu quả”; “gạo lứt ăn càng nhiều càng giảm cân”…Vậy thực hư là thế nào?
Gạo lứt muối mè có tác dụng giảm cân?
Gạo lứt chứa nhiều vitamin B1, B2, B3, B5, E, tiền vitamin A và các vi chất như sắt, ma-giê, phốt-pho, kẽm, vôi... cần thiết cho hoạt động tối ưu của hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, chất màu anthocyanin trong vỏ lụa của hạt gạo này có tác dụng trung hòa độc chất oxy hóa trong môi trường ô nhiễm.
Chính vì giá trị dinh dưỡng này mà nhiều người đồn thổi, truyền tai nhau những tác dụng “kinh điển” của gạo lứt từ trị mụn, chống tiêu chảy, táo bón, chống suy nhược thậm chí lên hạng “thần dược” khi giúp cắt cơn hen suyễn, trị được bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, ung thư,…Hiện nay, gạo lứt cũng có là một trong những thực phẩm được nhiều chị em lựa chọn để ăn kiêng giảm cân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, công dụng của gạo lứt chỉ là hỗ trợ phòng bệnh chứ chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng khắc phục bệnh (đặc biệt là các bệnh mạn tính) của gạo lứt.
Đối với tác dụng giảm cân, do gạo lứt nhiều chất xơ hơn gạo trắng và rất cứng, cần nhai kĩ. Do vậy, người sử dụng phải nhai từ từ, không thể ăn nhanh nên các axit trong gạo sẽ tiết ra nhiều hơn, cảm giác no lâu hơn. Nhưng đây chỉ là một ưu điểm trong giảm cân. Nếu chọn gạo lứt muối mè là thực đơn chính để ăn kiêng, những nhược điểm sau sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.
Coi chừng suy dinh dưỡng vì gạo lứt – muối mè
Dùng gạo lứt muối mè một cách cường điệu và trường kỳ nhằm mục đích giảm cân là một sai lầm khá lớn. Vì chỉ ăn 1 loại thực phẩm trong thời gian dài sẽ rối loạn biến dưỡng và suy yếu sức đề kháng vì gạo lứt muối mè tuy giàu vitamin và khoáng chất nhưng không chứa chất đạm và chất béo.
Cần phải hiểu rằng gạo lứt cũng như gạo bình thường, chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, chúng ta vẫn cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như đạm, chất khoáng. Mặc dù chất xơ là thành phần có hàm lượng cao trong gạo lứt, nhưng cũng không thể nào bằng rau xanh, trái cây.
Trong khi đó, dinh dưỡng hợp lý trong giảm cân là phải đầy đủ các nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thiếu hụt dưỡng chất sẽ khiến rối loạn chuyển hóa, rối loạn chức năng của cơ quan trong cơ thể. Theo chuyên gia Lê Lưỡng Hoàng, chị em chỉ nên dùng gạo lứt muối mè 2-3 lần/tuần để tốt cho sức khỏe.

Gạo lứt giúp gia tăng miễn dịch, nhưng nếu chỉ dùng gạo lứt muối mè, dinh dưỡng không đầy đủ lại khiến sức đề kháng suy giảm.
Tóm lại, vì nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng nếu ăn lâu ngày và chỉ nên dùng gạo lứt với tần suất 2-3 lần/tuần, chị em chỉ nên coi gạo lứt muối mè là một trong những món thay đổi trong thực đơn chứ không nên xem đó là một phương pháp giảm cân.
Lựa chọn và chế biến gạo lứt đúng cách
Giống như các loại thực phẩm khác, việc dùng gạo lứt chỉ tốt khi gạo sạch, tức là không chứa tồn dư chất hóa học.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, lớp cám gạo của gạo lứt rất dễ bị oxy hóa, sinh ra các gốc tự do, các chất không có lợi cho cơ thể nếu ăn phải. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin cũng dễ bị mất nếu không được chế biến đúng cách.
Vì vậy, chỉ nên ăn gạo còn mới, nên chọn loại được bảo quản trong bao bì hút chân không hoặc giấy bạc; tránh để gạo tiếp xúc trực tiếp với nắng, môi trường. Vitamin B1 dễ hòa tan trong nước, nên trong quá trình sử dụng nếu ngâm quá lâu hoặc vo gạo kỹ, lượng vitamin đó sẽ không còn. Trong quá trình nấu, nếu mở vung, vitamin sẽ bay hết.
Thanh Thanh