
Chuyên gia CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp
Bên cạnh các nhóm chất: cồn, chất béo dạng trans (có trong bơ thực vật, thức ăn được chiên rán...), BCAA (1 loại amino axit có tác dụng tăng cơ), đường chính là nhóm thứ tư trong danh sách “4 nhóm chất làm bào mòn sự sống thế kỷ 21”.
Không nằm ngoài xu hướng chung của toàn thế giới, người Việt hiện ngày càng dung nạp quá mức các thực phẩm chứa đường, kéo theo nhiều hệ lụy đến sức khỏe, dẫn đến nguy cơ mắc hàng loạt bệnh tật nguy hiểm.
Từ khi chất tạo ngọt (điển hình là đường siro bắp giàu fructose - HFCS) ra đời, công nghệ thực phẩm đã tận dụng loại đường có độ ngọt cao và rẻ tiền này để tạo vị ngọt cho đồ uống thức ăn thay thế các loại đường tự nhiên như đường mía, đường củ cải... trước đây. Ngày nay, chất tạo ngọt có mặt hầu hết trong các sản phẩm đóng hộp và chế biến sẵn, từ nước ngọt, bánh kẹo, mứt, nước sốt, sữa chua, kem, bánh mỳ, sô-cô-la,… đến cả những loại thực phẩm ăn kiêng dành cho người tiểu đường, tim mạch, người cần giảm cân...
Trong khi đó, việc lạm dụng đường (nhất là chất tạo ngọt) quá mức (hiện trung bình mỗi người tiêu thụ đường gấp 2-3 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe:
Một số biến chứng điển hình từ việc lạm dụng đường
Xem thêm:
- Gây thừa cân, béo phì:
Đường fructose có nhiều trong chất tạo ngọt đi vào cơ thể sẽ ngăn cản hoạt động của nội tiết tố leptin lên não, khiến não không nhận được tín hiệu no, không tạo ra cảm giác chán ăn dù đã dung nạp vượt quá nhu cầu cơ thể. Vì thế, người ta có xu hướng ăn nhiều hơn, dẫn đến nạp dưỡng chất quá mức (bao gồm cả đường), gây dư thừa năng lượng.
Khi nạp vào cơ thể quá nhanh và nhiều, cơ thể sẽ cân đối để đảm bảo nồng độ đường trong máu chỉ ở khoảng 0,8-1,2g/lít, số “dư thừa” sẽ nhanh chóng được chuyển thành năng lượng dự trữ là glycogen và triglyceride (mỡ trắng). Tuy nhiên, khả năng dự trữ của glycogen chỉ “có hạn” ở mức 200-250g, có nghĩa đường dư thừa còn lại sẽ cất giữ ở các “túi” tế bào mỡ trắng, tích lũy dưới da và xung quanh nội tạng - “thủ phạm” gây béo phì, thừa cân.
Tại Hội thảo Đường trong chế độ ăn, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa, Tiến sĩ Y khoa Kristina I.Rother thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia, Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ đã trình bày kết quả nghiên cứu: trong vòng 50 năm (từ 1960 – 2010), tỉ lệ sử dụng chất tạo ngọt tăng cao từ 3,3% – 32% đã dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ béo phì có BMI trên 30 ở mức báo động: từ 14.3% - 34.9%.
Đối với các loại đường ăn kiêng có mức năng lượng bằng 0, nguy cơ gây béo phì không hề giảm bởi chúng thường giấu mặt trong các loại bánh kẹo, thức ăn nhanh, nước ngọt dạng Light hoặc Diet khiến người dùng lơ là cảnh giác, sử dụng thoải mái dẫn đến mất kiểm soát năng lượng nạp vào.

Người béo phì có chế độ ăn giàu đường sẽ làm tăng nặng các bệnh lý chuyển hóa
- Nguy cơ bệnh tiểu đường
Dung nạp đường có tỷ lệ fructose cao trong các chất tạo ngọt sẽ làm tế bào beta tụy giảm tiết insulin – hormone có nhiệm vụ kiểm soát glucose để giữ lượng đường trong máu duy trì ở mức cho phép. Cùng sự tác động của thừa cân, béo phì, quá trình kháng insulin sẽ được thúc đẩy diễn ra nhanh hơn, làm đường máu tăng và gây ra bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu của trường Y tế công Harvard, những ai tiêu thụ từ khoảng 1-2 lon (330 – 660ml) đồ uống có đường mỗi ngày thì nguy cơ bệnh tiểu đường tăng lên đến 26% so với những người uống 1 lon/tháng.
- Tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh tim mạch
Khác với đường glucose được máu vận chuyển đến khắp cơ thể, đường fructose (có nhiều trong các chất tạo ngọt) lại chỉ có thể tiếp nhận tại gan.
Khi fructose bị dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo trong gan, một phần sẽ “cư trú” tại gan dưới dạng mỡ trắng, gây gan nhiễm mỡ; phần còn lại sẽ được vận chuyển ra ngoài, tăng tỉ lệ triglyceride, LDL-C (cholesterol xấu), giảm tỉ lệ HDL-C (cholesterol tốt) trong máu. Sự dư thừa fructose lúc này chính là con đường đưa chúng ta đến rối loạn mỡ máu, cao huyết áp và các bệnh tim mạch.
Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện tim mạch bệnh viện St Luke, Houston, bang Texas (Mỹ) tuyên bố rằng: fructose trong đường làm thúc đẩy tăng huyết áp và các bệnh tim mạch cao hơn cả muối.
Theo thống kê được công bố trên JAMA Internal Medicine (ngày 03/02/2014), những người tiêu thụ từ 17-21% kcal hằng ngày từ đường & chất tạo ngọt có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 38% so với người chỉ tiêu thụ 8% kcal.
- Giảm khả năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình gây viêm, tăng bệnh gout
Một chế độ ăn uống có nhiều đường fructose sẽ vừa làm tăng tổng hợp purin, vừa ức chế bài tiết acid uric khiến acid uric trong máu tăng cao, nguy cơ gây bệnh gout. Việc tăng acid uric trong máu còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe, gây viêm ở nhiều cơ quan quan trọng như tim mạch, mắt, màng não…
Ngoài ra, ăn nhiều đường còn tác động xấu đến da, men răng, xương khớp và cả nguy cơ bệnh ung thư.
Người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Y tế Hà Lan - Paul van der Velpen đã nhấn mạnh: “đường là chất nghiện nguy hiểm nhất trong thời đại chúng ta”. Bởi, không chỉ gây nghiện, việc lạm dụng đường (nhất là đường fructose) trong chế độ ăn hiện nay dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh lý chuyển hóa. Trong đó, béo phì được xem là hội chứng điển hình và nếu một người thừa cân kết hợp ăn nhiều đường, đây sẽ là “bộ đôi” thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tất cả các bệnh lý trên.
- Mỗi năm trên thế giới có hơn 180.000 ca tử vong do ảnh hưởng của các loại nước ngọt. Trong đó, Mexico là quốc gia có tỷ lệ sử dụng nước ngọt nhiều nhất và cũng là nước có tỉ lệ người chết vì nước ngọt cao nhất thế giới (450 người/1 triệu người/năm).
- 76% trường hợp tử vong liên quan tới các loại thực phẩm có đường xảy ra tại các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
|
Theo Sức Khỏe Đời Sống
Xem thêm: Bất Ngờ Với Những “Sự Thật” Về Đường