Tỷ lệ trẻ béo phì ở nước ta đang gia tăng phi mã. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố tháng 1-2015, hiện Bình Dương đứng đầu về tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì với 13,4%, vượt tỷ lệ chung toàn cầu (12,9%), kế đến là TP.HCM 12,6%, Đà Nẵng 10,8%.
Vì sao trẻ em bây giờ dễ béo phì hơn?
Theo kết quả nghiên cứu của trường đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ) công bố trên tạp chí Paediatrics (Nhi khoa) dựa trên cơ sở tổng hợp 69 nghiên cứu được tiến hành trên toàn thế giới từ năm 1990 đến 2012, với sự tham gia của 15.000 trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, đã phát hiện 51% phụ huynh được khảo sát trên thế giới có con thừa cân nhưng không cho rằng bé vượt quá chuẩn cân nặng, thậm chí có người nghĩ rằng con mình đang thiếu cân.
Có thể thấy, nguyên nhân trẻ em bây giờ dễ bị thừa cân, béo phì chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý chủ quan trong việc bồi bổ quá mức của phụ huynh.
Khi kinh tế phát triển, cuộc sống đã khá giả hơn trước, các phụ huynh thường mang tâm lý muốn bé được hưởng thụ những điều tốt nhất so với thế hệ mình, sợ bé đói, bé suy dinh dưỡng nên đã không ngừng cho bé ăn nhiều dưỡng chất. Ngoài ra, các thức ăn nhanh như gà rán, nước ngọt có gas, pizza… cũng góp phần không nhỏ gây nên tình trạng béo phì ở trẻ em.
Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng quá mức, việc ít vận động của trẻ em hiện đại cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì. Các bậc phụ huynh mỗi chiều đón con thường đậu xe sát cổng trường để đón bé, sợ con đi bộ xa sẽ mệt. Ở nhà thì các bé được xem TV, chơi điện tử, đọc truyện…, thiếu hẳn các vận động ngoài trời phù hợp với lứa tuổi như thả diều, đi bộ, bắn bi…

Sự bồi bổ quá mức của ba mẹ cũng góp phần gây nên tình trạng béo phì ở trẻ em
Trẻ em bị béo phì có nguy cơ gì?
Các bậc phụ huynh “chăm bẵm” con rất kỹ, cứ nghĩ “trẻ béo mập, nhìn mũm mĩm” như thế là tốt. Nhưng kì thực, trẻ em béo phì tiềm ẩn nhiều nguy hại về sức khỏe, cụ thể như:
- Rối loạn tâm lý: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.
- Rối loạn hormone và dễ mắc các bệnh hội chứng chuyển hóa: cụ thể, trẻ béo phì sẽ dễ dậy thì sớm, bé gái dễ bị vô kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, trẻ bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao. Nguyên nhân là do thường xuyên dung nạp quá nhiều đường vào cơ thể (chủ yếu qua đường ăn uống như thức ăn nhanh, nước có gas), khiến insulin luôn trong tình trạng cao đột biến. Sự tăng tiết insulin nhưng bị khối mỡ ức chế hoạt động nên đường huyết tăng gây ra tiểu đường type II.
- Rối loạn tiêu hóa: dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm. Chủ yếu là do sự tiếp nạp quá nhiều đường Fructose và chất tạo ngọt HFCS có trong nước có gas và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường Fructose và chất tạo ngọt HFCS khi vào cơ thể sẽ đi trực tiếp đến, gan sẽ chuyển hóa một phần đường trên thành axit béo, gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Cao huyết áp: khoảng 20-30% trẻ béo phì cao huyết áp.
- Thoái hóa khớp: Trẻ béo phì dễ có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là khớp gối chịu do thường xuyên chịu áp lực từ thể trọng quá nặng.
- Nguy cơ bệnh tim mạch cao: Theo công trình nghiên cứu của trường đại học Harvard lấy 508 thanh niên bị béo phì từ nhỏ làm mẫu, nghiên cứu cho thấy: nguy cơ bị xơ vữa động mạch ở những người này tăng gấp 7,3 lần, bệnh động mạch vành tăng gấp 1,8 lần, tử vong do bệnh viêm mạch vành, nhồi máu cơ tim tăng gấp 2,3 lần.
Một điều quan trọng nữa mà các bậc phụ huynh cần nhớ là khi trẻ đã bị béo phì lúc nhỏ thì về sau sẽ rất khó giảm cân. Đó là do mỡ trắng đã tích tụ quá lâu năm trong cơ thể, không chỉ dưới da mà còn bao bọc quanh nội tạng như tim, gan, mỡ. Vì thế, chúng cần rất nhiều thời gian để giảm tích tụ và ly giải.
Như Quỳnh