Xu hướng thừa cân béo phì ở trẻ em, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, theo thông tin tại hội nghị dinh dưỡng TP.HCM năm 2014, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua.
Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở trẻ em chủ yếu là do ăn quá nhiều năng lượng từ thức ăn nhanh, đồ ăn vặt nhiều đường, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ..., kèm theo lối sống ít vận động khiến mỡ trắng tích tụ nhiều dưới da. Để trẻ em béo phì giảm cân an toàn và vẫn đảm bảo phát triển chiều cao, đủ sức học tập, các bậc phụ huynh cần xây dựng thực đơn giảm cân khoa học trong các bữa ăn thường nhật của gia đình.
Xem thêm: Cách giảm mỡ bụng hiệu quả
1. Đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất
Với bữa ăn cho trẻ em béo phì, tuyệt đối không được bỏ bữa để trẻ đói, mà nên cung cấp năng lượng vừa đủ nhu cầu và đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để các em phát triển toàn diện, đảm bảo đủ sức khỏe để học tập.
Đặc biệt trong bữa ăn, nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ, giúp lấp đầy ống tiêu hóa, mang đến cảm giác no lâu và khắc chế được cảm giác thèm ăn.
Đồng thời các em đang ở độ tuổi phát triển chiều cao, vì thế, nên chú ý bổ sung thêm thức ăn giàu canxi như sữa tách béo, hải sản…
2. Hạn chế món chiên xào, tăng món hấp, luộc
Khi chế biến thưc phẩm, các bậc phụ huynh nên hạn chế các món chiên xào, thay vào bằng các món hấp luộc. Ví dụ, thay vì làm món rau muống xào tỏi, có thể chế biến thành rau muống luộc.
3. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt, kem, bánh kẹo ngọt, thức ăn nhanh
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường cho trẻ dùng thức ăn nhanh được bày bán sẵn như nước ngọt, kem, bánh kẹo ngọt hoặc gà rán. Các thực phẩm này chứa nhiều đường Fructose và chất tạo ngọt HFCS sẽ làm trẻ bị nghiện. Khi vào cơ thể, đường Fructose và chất tạo ngọt HFCS sẽ đến gan, một phần được chuyển hóa thành glucose, phần còn lại chuyển hóa thành axit béo, gây nên hiện tượng tăng cân.
4. Ăn nhiều vào buổi sáng, ăn ít vào buổi tối
Với trẻ em thừa cân, béo phì, các bậc phụ huynh nên lưu ý phân bổ lượng thức ăn một cách khoa học giữa 3 bữa. Cụ thể, nên cho các em ăn nhiều vào bữa sáng, ăn vừa vào bữa trưa và ăn ít vào buổi tối. Để hạn chế cơn đói, bạn có thể chuẩn bị các thực phẩm ít calo, giàu dinh dưỡng mà không gây tăng cân như củ đậu, táo, sữa chua… để các bé dùng vào những bữa ăn nhẹ.
Trẻ em khi bị béo phì, thì khi lớn sẽ rất khó giảm cân do mỡ trắng tích tụ quá lâu năm dưới da, đặc biệt là ở khu vực nội tạng. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng thực đơn giảm cân và chế độ dinh dưỡng khoa học cho các em, ba mẹ cũng nên khuyến khích các bé tăng cường vận động, đặc biệt là các bài tập thể dục toàn thân phát triển chiều cao như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội…
Như Quỳnh