Nguyên nhân thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học sinh là do cung cấp một chế độ ăn vượt trên nhu cầu năng lượng cần thiết cộng với việc ít vận động trong ngày.
Để đưa cân nặng về mức hợp lý, sự quan tâm và hỗ trợ đúng cách của cha mẹ, người thân như xây dựng một chế độ dinh dưỡng, thực đơn khoa học rất quan trọng.
Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học
Đây là độ tuổi phát triển thể chất, đặc biệt là chiều cao nên trong chế độ ăn giảm cân vẫn cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều em do muốn giảm cân nhanh và thiếu kiến thức, lại giấu gia đình nên đã áp dụng chế độ ăn kiêng không khoa học như nhịn ăn, ăn kiêng hoàn toàn tinh bột, thanh lọc cơ thể…dẫn đến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe sau này.
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng giảm cân cho đối tượng học sinh hay bất cứ đối tượng nào cũng cần đầy đủ dinh dưỡng và lưu ý lựa chọn những thực phẩm tốt cho việc kiểm soát cân nặng.
Cần phân chia các bữa ăn trong ngày theo một thời gian biểu hợp lý. Có thể ăn 4 đến 5 bữa trong ngày gồm 3 bữa chính + 1-2 bữa phụ. Nhưng bữa ăn cuối cùng trong ngày nên càng sớm càng tốt (trước 7 giờ tối) và tránh thức khuya
Thực đơn giảm cân gợi ý
Bữa sáng đối với học sinh thường vào 6 giờ. Phụ huynh nên lựa chọn các thức ăn nhẹ nhàng như bún, cháo, phở. Không nên chọn các loại thức ăn có năng lượng cao như xôi, bánh mì, bánh chưng.
Đây là độ tuổi phát triển chiều cao nên theo khuyến cáo chung vẫn phải cho các em dùng sữa nhưng nên lựa chọn loại sữa không có chất béo (sữa tách béo, sữa tách bơ).
Bữa trưa (12h) chọn thức ăn đã loại bỏ các loại mỡ thịt, da, lòng động vật. Thay các thức ăn chiên xào bằng các thức ăn luộc, hấp, canh. Thay vì ăn thịt, nên ăn cá, đậu hũ.
Bữa tối (19h): tương tự bữa trưa nhưng nên giảm bớt khẩu phần ăn.
Vào các bữa phụ, nên chọn ăn trái cây không ngọt như thanh long, cam bưởi, dưa hấu, dưa gang. Tránh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm công nghiệp như gà rán, khoai tây chiên, hamburger nhiều giàu mỡ và các loại đồ ăn thức uống ngọt như nước có gas, trà sữa, kem bánh kẹo ngọt, sôcôla…
Khuyến khích tập luyện
Để kiểm soát cân nặng tốt, bên cạnh chế độ dinh dưỡng cần kết hợp với chế độ tập luyện, tăng cường vận động.
Vận động, tập thể dục không những giúp kiểm soát cân nặng mà còn rất tốt để phát triển thể chất tối ưu
Gia đình nên khuyến khích và động viên các em luyện tập thể dục, tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao. Thời gian tập khoảng 3 - 4 lần một tuần, mỗi buổi từ 1,5 - 2 giờ. Ngoài ra, nên tập cho các em một thói quen sống năng động, giảm các trò chơi không vận động như video - game, hay đọc sách.
Với lứa tuổi học sinh, tâm lý là điều mà bậc phụ huynh và những người trong gia đình nên đặc biệt lưu tâm, hướng dẫn và động viên trẻ. Gia đình cần giúp trẻ vượt qua các mặc cảm về bản thân và nhận ra rằng thừa cân, béo phì không chỉ làm chúng mất tự tin mà còn gây ra nhiều bệnh khác.
Muốn giảm cân hiệu quả cần áp dụng các phương pháp giảm cân khoa học, an toàn được khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng chứ không nên ăn kiêng tùy tiện làm ảnh hưởng đế sức khỏe.
Tuyết Trinh