Hành tây, tỏi là thực phẩm quen thuộc, thường được dùng làm gia vị khi chế biến món ăn. Nhưng gần đây, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn lại đang “xôn xao” trước thông tin “tỏi giúp giảm cân hiệu quả”, “giảm cân nhanh bằng hành tây”.
Muôn vàn cách chế biến để “giảm cân”
Dạo quanh các diễn đàn, mạng xã hội, không khỏi “choáng ngợp” trước muôn vàn cách chế biến tỏi và hành tây để giảm cân như uống dầu tỏi, rượu tỏi, tỏi ngâm dấm, uống nước hành tây… và đang được nhiều chị em thảo luận sôi nổi.
Theo y học cổ truyền, tỏi có tác dụng giải cảm, giải độc, hạ khí, tiêu đờm, chữa đầy bụng… Đây là thực phẩm tốt, được khuyến khích bổ sung trong các bữa ăn để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Hành tây và các “họ hàng” như: tỏi, tỏi tây và hẹ tây rất giàu hợp chất phytonutrient, có tác dụng bảo vệ tim nhưng lại gây hại cho dạ dày (không tốt cho người giảm cân). Trong dân gian, chỉ lưu truyền hành tây có công dụng trị phong thấp, tiêu chảy, khó thở… tác dụng giảm cân của tỏi và hành tây thì vẫn chưa được ghi nhận trong các tài liệu y khoa.
Đồng thời, trong các khuyến cáo dinh dưỡng ở Việt Nam, các chuyên gia cũng chưa đề cập đến tác dụng giảm cân của tỏi hoặc hành tây. Dùng hành tây, tỏi giảm cân chỉ là câu hỏi thường xuất hiện trên các diễn đàn và được mọi người thảo luận với tâm lý “tò mò”, trong thực tế cũng chưa có trường hợp nào giảm cân thành công khi áp dụng các cách chế biến trên.

Tỏi đang được cộng đồng mạng “thổi phồng” có tác dụng giảm cân hiệu quả
Nhịn ăn, tuyệt thực hoặc sử dụng các thực phẩm được thổi phồng có tác dụng giảm cân như tỏi, bí đao, thơm… là sai lầm thường thấy của nhiều người thừa cân.
Thực tế thì trước khi chuyển hóa ngược mỡ trắng thành năng lượng cho hoạt động, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng từ cơ trước. Nhịn ăn hay ăn kiêng khắc nghiệt dễ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như mệt mỏi, hạ canxi, tụt huyết áp, mất khối cơ, cơ thể suy kiệt gây nên nhiều bệnh lý, thậm chí có thể tử vong.
Do đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học để giảm cân an toàn cần đáp ứng tiêu chuẩn giảm năng lượng đưa vào qua ăn uống, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe và duy trì các hoạt động hàng ngày. Mức năng lượng ăn vào nên duy trì khoảng 25 - 30 Kcal/kg cân nặng mỗi ngày và cân đối giữa 4 nhóm chất: bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, cần uống đủ 2,5-3 lít/ nước mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, xây dựng thói quen ăn chậm nhai kỹ, áp dụng quy trình ăn ngược “ăn canh rau trước, cơm thịt sau” để hạn chế nhu cầu ăn thêm thức ăn, giảm cơn thèm ăn, nhưng không mang đến cảm giác cồn cào, khó chịu.
Như Quỳnh