Đây là nhận xét của Chuyên gia Lê Thúy Tươi về những trường hợp "quá khổ" mà chị đã từng hỗ trợ giảm cân! Tôi đã theo đuổi đề tài nghiên cứu Châm cứu khắc phục tình trạng béo phì từ 5 năm nay.
Uống thuốc và ăn như chưa từng được ăn
Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, nhà ở Q,6, TP.HCM, trong khu lao động nghèo. Chị bán tạp hóa tại chợ Bình Tây. Chị có bốn đứa con nên tất nhiên là thân hình khá sồ sề.
Đây là lần tái khám thứ ba của chị. Tôi hơi cáu khi biết rằng sau khi hết thời gian ăn kiêng theo thực đơn của bệnh viện và hết châm cứu, chị đã ăn nhiều gấp 3 - 4 lần. Kết quả là cơ thể "phục hồi" lại trạng thái ban đầu.
Bệnh nhân nữ thứ hai của tôi trong những ngày giáp Tết là một cô gái 28 tuổi, chưa lập gia đình, nặng gần... một tạ.
Cô ra nhà thuốc, mua về một bao thuốc giảm béo cấp tốc gồm cả Đông, Tây y. Thuốc Đông y thì gồm nhiều loại, nguồn gốc thảo dược như nghệ, rau má, đã được nhà nước cho phép lưu hành. Tóm lại. Đó là thuốc tốt, thuốc đúng. Thuốc tây thì đủ tên hiệu, của Trung Quốc, Hàn Quốc, cả của Pháp.
Cô uống nghiêm túc theo toa và tiếp tục... ăn như chưa từng được ăn. Ăn xong, cô yên tâm đánh những giấc mơ dài, vì nghĩ thuốc đang làm nhiệm vụ của nó. Trước đây, cô đã ít vận động vì nhà có sạp bán đường, đậu ở chợ Bàn Cờ, Q.3. Cả ngày, cô chỉ việc ngồi múc cái nọ, cái kia cho vào bao nylon.
Nay, tinh thần ổn định (vì đã mua thuốc uống!), lại ăn thả dàn nên lúc nào cô cũng buồn ngủ. Nhu cầu chính đáng này lập tức được thỏa mãn, trên chiếc ghế mây phía sau sạp. Bởi vậy mà cô than với tôi: "Cháu uống thuốc chẳng thiếu bữa nào, vậy mà sao vẫn không ốm bớt?". Tôi thở dài: "Uống thuốc mà ăn như thế khác nào thuốc bổ, chỉ tổ béo thêm!".
Tôi buộc cô gái phải trị liệu lâu dài bằng châm cứu và ăn kiêng. Tôi nhắc đi nhắc lại, trên đời chẳng có thứ thuốc nào làm người ta hết béo được nếu cứ ăn uống phà phà như thế. Chỉ có sự kiên trì và tính kỷ luật cao trong chuyện ăn uống, luyện tập mới giúp họ hết bệnh mà thôi.
Kiêng khem đúng cách sẽ có kết quả khả quan
Ăn không điều độ càng béo, nhịn ăn càng béo hơn. Vì sau thời gian tiêu thụ lượng mỡ dự trữ, cơ thể sẽ đòi bao tử hoạt động gấp mấy lần để lấy lại phần năng lượng đã mất. Thế là béo lại hoàn phì.
Tế bào mỡ như cái bong bóng. Nhịn ăn, nó xẹp xuống. Ăn vào nó lại phồng lên nhanh chóng. Với tôi, ăn uống không kiêng khem là kẻ thù của béo phì. Tôi chăm bệnh nhân từng li từng tí. Ngoài việc kê toa, châm cứu, tôi còn phải ghi thực đơn từng ngày cho họ.
Bên cạnh đó, tôi phải luôn kiểm tra mức độ chân thật của họ. Liệu họ có ăn đúng thực đơn hay do không kiềm chế được cơn thèm ăn mà qua mặt tôi? Sau cùng, những sự cẩn thận của tôi đã đem lại kết quả. Tổng kết của Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM trong 8 năm qua là: 28.000 lượt người được cải thiện béo phì, tỉ lệ thành công là 24%.
Đó vẫn là con số khiêm tốn. Vì rằng không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức cũng như thói quen ăn uống của người bệnh béo phì. Nhưng tôi tin, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự kiên trì của các chuyên gia, bệnh nhân, căn bệnh này sẽ bị đẩy lùi trong thời gian tới.
Theo Tuổi Trẻ
Ngồi nhiều, ít vận động và thói quen sử dụng thực phẩm thừa năng lượng là những lý do gây tình trạng thừa cân, béo phì ở những người làm công việc văn phòng. Bạn cần tập thói quen rời khỏi ghế cứ mỗi 30 hoặc 60 phút. Cụ thể như thế nào bạn hãy tham khảo bài viết Giảm béo cho dân công sở.