Đường là một dưỡng chất cần thiết cho não bộ, góp phần cung cấp năng lượng sống cho cơ thể. Tuy nhiên, có những sự thật ít ai biết: đường chính là “chất gây nghiện” được thế giới sử dụng nhiều nhất và việc lạm dụng chúng tiềm ẩn vô số hiểm họa cho sức khỏe.
Sự thật “gây nghiện” của đường
Qua quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá, các nhà khoa học đã chỉ ra: bên cạnh việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, đường còn tác động đến não bộ con người qua cơ chế của một “chất gây nghiện”.
Tại Hội thảo “Đường trong chế độ ăn, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa” do Hiệp hội Béo phì Thế giới tổ chức tại Berlin, Đức hồi cuối tháng 6.2015, Tiến sỹ Serge H. Ahmed (ĐH Bordeaux – Pháp) đã công bố kết quả thực nghiệm chứng minh: đường gây nghiện hơn cả cocaine.
Nghiên cứu chỉ rõ, về cơ chế, đường khi được hấp thu vào máu sẽ tác động đến vùng tưởng thưởng của não, kích thích não sản xuất ra dopamine – loại hormone tạo cảm giác thích thú, hưng phấn. Cơ chế này y hệt như cơ chế gây nghiện của cocaine khiến cơ thể thích nghi nhanh chóng với trạng thái hưng phấn và có xu hướng mong muốn lặp lại trạng thái này nhiều lần. Điểm khác biệt duy nhất là khi sử dụng quá liều cocaine, người sử dụng có thể bị nhiễm độc cấp và đe dọa đến tính mạng ngay lập tức; trong khi đó, đường lại tác động âm thầm và dai dẳng, gây các biến chứng bệnh tật nguy hiểm nếu thường xuyên sử dụng quá mức khuyến cáo.

Đường có mặt trong hầu hết thực phẩm chế biến sẵn mà người Việt thường dùng
Không chỉ gây nghiện khi sử dụng trực tiếp, Tiến sỹ Mark Gold, Trưởng khoa Tâm thần học tại ĐH Florida (Hoa Kỳ) – người có 30 năm nghiên cứu về chứng nghiện đồ ăn cũng phát hiện: việc tiếp xúc với thực phẩm có đường ngay từ trong bụng mẹ và suốt thời thơ ấu cũng sẽ khiến trẻ con có cảm giác thích và thèm đường nhiều hơn khi lớn lên.
Đó là lý do mà một khi ăn đường, con người thường không có dấu hiệu “dừng lại”. Theo nghiên cứu khác, nếu một bữa ăn được dùng kèm với các loại nước ngọt, người ta có thể nạp thêm 20-50% thức ăn so với nhu cầu thực tế của cơ thể.
Có thể phân chia đường làm 3 loại chính: đường tự nhiên (đường mía, củ cải, thốt nốt, mạch nha, mật ong, nho…), chất tạo ngọt có nguồn gốc tự nhiên (tiêu biểu là Siro bắp giàu fructose - HFCS), chất tạo ngọt nhân tạo (còn gọi là đường hóa học). Chuyên gia Đỗ Thị Ngọc Diệp cảnh báo, chất tạo ngọt được xem là “kẻ thù giấu mặt” của sức khỏe và là loại đường đang được dùng phổ biến nhất hiện nay, ẩn chứa trong các loại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn như nước ngọt, bánh kẹo, sữa tươi, nước ép, kem, nước sốt, sữa chua, sô-cô-la, hoa quả sấy… Theo thống kê, có đến 74% sản phẩm đóng hộp có chứa đường HFCS và mức tiêu thụ loại đường này đã tăng lên đến 10.000% mỗi người, tính từ những năm 1980 (thời điểm ra đời) cho đến nay.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, người bình thường chỉ nên hấp thụ đường dưới 10% tổng năng lượng mỗi ngày, thế nhưng, với khẩu phần phổ biến hiện nay, có đến 2/3 dân số trên toàn thế giới dung nạp đường vượt ngưỡng khuyến cáo.
Người Việt Nam hiện lạm dụng đường ở mức báo động
Tình trạng lạm dụng đường ở nước ta đang gia tăng “phi mã” và không hề “hạ nhiệt”, đe dọa đến sức khỏe mỗi người và trở thành mối lo của toàn xã hội.
Nếu như ở thời nguyên thủy, loài người chỉ dùng đường ở mức 5% trong tổng số 100g thức ăn hằng ngày thì ngày nay, tỉ lệ sử dụng đường đã tăng lên gấp 4-5 lần nhu cầu so với trước.
PGS. TS. Lê Bạch Mai cho biết, qua điều tra của trong 5 năm trở lại đây, lượng nước ngọt được tiêu thụ tại nước ta đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, chỉ cần sử dụng 1 lon nước ngọt (330ml), chúng ta đã dung nạp vào cơ thể khoảng 36g đường, vượt mức giới hạn sử dụng đường trong ngày. Ngoài ra, đường còn tồn tại trong hàng loạt thực phẩm, đồ uống khác nên khả năng dung nạp đường quá mức là điều dễ dàng xảy ra.
Khi đi vào cơ thể, đường sẽ được hấp thu dưới 2 dạng là glucose (20% đến gan, 80% đến các cơ quan) và fructose (100% đến gan, sau đó gan chuyển hóa thành glucose và các axit béo). Lượng glucose không được các cơ quan dùng hết, bị dư thừa trong máu sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen, nhưng không vượt quá 250mg giữa 2 bữa ăn, phần còn lại đều được chuyển thành các axit béo và được cất giữ dưới dạng mỡ trắng. Khi dung nạp đường quá mức, cơ thể sẽ tăng tích tụ mỡ trắng – “thủ phạm” gây thừa cân, béo phì, kéo theo đó là các bệnh lý chuyển hóa nguy hiểm như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, huyết áp, tim mạch,… làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Trước thực trạng sử dụng đường ở mức báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, thách thức lớn nhất hiện nay của toàn xã hội là làm sao để mỗi người nâng cao nhận thức về các mặt lợi hại của đường, từ đó sử dụng đường một cách hợp lý, tránh những biến chứng nguy hiểm từ việc sử dụng đường quá mức gây ra.
Theo Sức Khỏe Đời Sống
Xem thêm: Bí quyết giảm cân an toàn và giảm cân tự nhiên
Xem clip tác hại và mối liên quan mật thiết của đường đối với tình trạng thừa cân béo phì