Bột mì là loại bột được sử dụng nhiều nhất trong các loại bột vì rất dễ ăn và dễ chế biến thành rất nhiều loại thức ăn.
Nhưng nếu ăn nhiều và quá thường xuyên, bột mì và các món được chế biến từ nó không chỉ gây khó khăn cho việc giảm cân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không tốt vì xay xát quá kỹ
Bột mì là một loại bột được sản xuất từ quy trình xay xát lúa mì, được sử dụng làm nguyên liệu để làm các loại bánh như bánh mì, bánh nướng, bánh quy, bánh ngọt, bánh bèo, bánh bao, mì tôm, mì trứng, háo cảo, bánh Piza...và hầu hết các loại bánh khác.
100g bột mì chứa đến 339 kcal chưa kể lượng calo sẽ còn tăng cao khi chế biến thành các loại bánh ngọt
Khác với các loại ngũ cốc thô (nguyên hạt), các loại bột nói chung đều đã trải qua quá trình xay xát và tinh chế rất kỹ làm mất đi nhiều dưỡng chất quý giá như các vitamin khoáng chất và chất xơ.
Thực phẩm thô, toàn phần sẽ no lâu do có nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho việc giảm cân và sức khoẻ. Trái lại, khi ăn các loại bột được xay nhuyễn, bạn thường sẽ không cần phải nhai nhiều và tiêu hóa nhanh. Đó là lý do làm bạn mau đói.
Theo nghiên cứu các chuyên gia dinh dưỡng ở Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), các chế phẩm chế từ bột mì nói chung không có lợi cho sức khỏe, bởi carbohydrate có trong bột mì là loại chuyển hóa thành đường nhanh hơn và dễ dàng hơn so với các loại carbohydrate khác.
Sau một nghiên cứu khác được thử nghiệm trên chuột, các chuyên gia ở ĐH Harvard lại phát hiện thấy những con chuột được ăn nhiều tinh bột được tinh chế có chỉ số glycemic (Glycemic Index GI) cao thì khả năng chuyển hóa của cơ thể lại giảm mạnh, mỡ tích nhiều trong cơ thể.
Phát hiện trên có thể nhận định những người ăn nhiều thực phẩm chế từ bột mì dễ bị bị thừa cân, nhất là nhóm người ít vận động.
Các chuyên gia đinh dưỡng đã đưa ra khuyến cáo muốn giảm cân hiệu quả đều cần cắt giảm năng lượng ăn vào. Cụ thể là giảm chất béo và bột đường. Nếu ăn tinh bột quá nhiều (nhất là tinh bột được tinh chế), dù có giảm chất béo tối đa cũng không thể giảm cân, vì năng lượng thừa từ chất bột đường sẽ được cơ thể chuyển thành mỡ dự trữ, dẫn đến không thể giảm cân mà thậm chí còn gây tăng cân.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa việc hạn chế chất bột đường đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn nhóm tinh bột ra khỏi thực đơn như một số chế độ ăn kiêng hiện nay. Vì chỉ có các loại thực phẩm từ tinh bột mới chuyển hoá thành đường glucose - là nguồn cung cấp năng lượng không thể thay thế cho hoạt động của một số tế bào đặc biệt là tế bào não, hồng cầu.
Thay vì các loại bột tinh chế, bạn nên ưu tiên dùng những thực phẩm thô, nguyên hạt trong nhóm tinh bột
Do đó, bạn chỉ nên hạn chế chất bột đường như các loại bánh ngọt hoặc các sản phẩm khác làm từ nguyên liệu bột mì, bột bắp, bột khoai…Còn những thực phẩm thuộc nhóm tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn...còn thô và nhiều chất xơ vẫn nên dùng với lượng vừa phải để cơ thể chuyển hóa thành đường glucose cần thiết cho hoạt động của não và cơ, cung cấp năng lượng cho các tế bào cơ thể hoạt động.
Loan Châu